MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ PrEP
1. Tại sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ?
Trả lời:
Theo các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (gọi tắt là PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Chính vì vậy, từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
2. PrEP là gì?
Trả lời:
PrEP (Pre - Exposure Prophylaxis): điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Nghĩa là điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng virút (ARV) đối với người chưa nhiễm HIV nhưng có những hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
3. Sử dụng PrEP có lợi ích như thế nào đối với việc phòng ngừa lây nhiễm HIV?
Trả lời:
Điều trị PrEP là dùng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 97% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Phương pháp này là một cách đơn giản có khả năng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên Thế giới.
4. Những ai nên và không nên sử dụng PrEP?
Trả lời:
Hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì các đối tượng sau nên sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV, cụ thể là: Quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su với từ hai bạn tình trở lên; Có bạn tình có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc không rõ yếu tố nguy cơ nhiễm HIV; Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV > 200 bản sao/mL hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV; Có tiền sử mắc hoặc đang điều trị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; Đã từng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) và vẫn có hành vi nguy cơ cao; Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.
Tuy nhiên không phải ai trong những nhóm đối tượng vừa nêu trên cũng sử dụng được PrEP mà sẽ có một số Trường hợp chống chỉ định. Không chỉ định điều trị PrEP cho các trường hợp sau: HIV dương tính; Có triệu chứng của Hội chứng nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV; Dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP; Không sử dụng phác đồ có TDF khi độ thanh thải creatinin <60 mL/phút và/hoặc cân nặng dưới 35 kg.
5. Khi sử dụng PrEP có gặp tác dụng phụ gì không? Cách dùng thuốc như thế nào? Dùng thuốc sau bao lâu thì có hiệu quả bảo vệ?
Trả lời:
Hiện nay, việc điều trị PrEP là sử dụng thuốc ARV có chứa 2 thành phần là Tenofovir/Emtricitabine (TDF/FTC) với hàm lượng TDF/FTC 300/200mg: uống 1 viên/ngày, uống vào giờ cố định trong ngày và uống sau khi ăn.
PrEP có thể đạt hiệu quả và có tác dụng bảo vệ: Đối với nam không sử dụng hoóc môn khẳng định giới: hiệu quả bảo vệ tối đa sau 02 - 24 giờ nếu bắt đầu liều 02 viên hoặc 07 ngày nếu uống mỗi ngày 01 viên; Đối với nữ có nguy cơ nhiễm HIV hoặc người có nguy cơ nhiễm HIV qua đường máu: PrEP chỉ có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng thuốc đầy đủ và liên tục trong 07 ngày.
Thuốc sử dụng trong điều trị PrEP khá là an toàn và hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể gặp một vài tác dụng phụ nhỏ như:
- Có thể buồn nôn, đau đầu, thường nhẹ và tự khỏi trong tháng đầu sau khi dùng.
- Rất ít khi tăng creatinin máu, hầu hết trở về bình thường sau khi ngừng PrEP.
- Giảm mật độ xương: hiếm gặp, sẽ hồi phục sau khi ngừng PrEP
6. Cần phải làm gì để thuốc mang lại hiệu quả cao nhất? Khi gặp tác dụng phụ của thuốc thì phải làm gì?
Trả lời:
Phải khẳng định luôn rằng PrEP không phải là vắc xin. PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng vi rút để dự phòng lây nhiễm HIV. Vì vậy, để thuốc phát huy được tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV thì trước tiên các KH cần tuân thủ điều trị thật tốt, uống thuốc đều đặn mỗi ngày một viên, uống vào giờ cố định và uống sau khi ăn. Nếu gặp tác dụng phụ như đau đầu, nôn nao, người hơi mệt…ở mức độ nhẹ thì hãy yên tâm chứ không nên quá lo lắng vì sau mấy ngày uống thuốc thì sẽ hết tác dụng phụ này. Nếu ở mức độ nặng như đau đầu chóng mặt nhiều, tiêu chảy vừa hoặc nặng, nóng rát dạ dày nhiều…thì các khách hàng cần báo lại với bác sỹ để xem xét quyết định dừng thuốc hay không.
Ngoài ra, PrEP chỉ có tác dụng điều trị dự phòng đối với HIV chứ không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, không có tác dụng tránh thai, trong khi đó bao cao su vừa có tác dụng tránh lây nhiễm HIV vừa phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai viêm gan B, C...và giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Do đó để an toàn nhất, bạn nên luôn dùng PrEP và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục như biện pháp bổ sung cho nhau.
Bên cạnh đó các khách cần tái khám lại theo đúng lịch hẹn để được khám, tư vấn, làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra lại như HIV, Giang mai, viêm gan B, C…
7. Một người đang dùng PrEP, khi nào dừng sử dụng?
Trả lời:
Thầy thuốc có thể chỉ định cho khách hàng dừng sử dụng PrEP khi:
- Khách hàng đã thay đổi hành vi và không còn nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Có xét nghiệm HIV dương tính.
- Khách hàng tuân thủ kém hoặc muốn ngừng PrEP.
Khi có chỉ định ngừng PrEP
- Đối với người sử dụng PrEP tình huống: tiếp tục sử dụng thuốc PrEP mỗi ngày 01 viên trong 02 ngày liên tiếp sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.
- Đối với nữ có nguy cơ nhiễm HIV hoặc người có nguy cơ nhiễm HIV qua đường máu: PrEP cần được tiếp tục sử dụng 07 ngày liên tiếp kể từ lần phơi nhiễm cuối cùng
8. Thế nào là PrEP theo tình huống?
Trả lời:
Sử dụng PrEP tình huống cho người có giới tính khi sinh là nam, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc khác giới, người chuyển giới nữ, và không sử dụng hoóc môn khẳng định giới, và: Tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần; Đảm bảo được dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục; Đồng ý sử dụng PrEP theo tình huống.
Không sử dụng PrEP theo tình huống cho: Phụ nữ; Chuyển giới nữ đang sử dụng liệu pháp hoóc môn nữ; Người có viêm gan B mạn tính; Người tiêm chích ma túy.
Về cơ bản, khi một khách hàng muốn dùng PrEP sẽ được bác sĩ trao đổi trước khi đưa ra quyết định dùng PrEP theo tình huống hay PrEP hàng ngày là phù hợp với họ. Lịch khám và theo dõi sử dụng PrEP theo tình huống giống như PrEP hàng ngày.
Về cách sử dụng PrEP uống theo tình huống: Do không uống hàng ngày nên PrEP sẽ được dùng theo công thức: 2 + 1 + 1 tức là:
- Uống 2 viên (liều đầu tiên) trước khi quan hệ tình dục 24 giờ, chậm nhất là 2 giờ trước khi có quan hệ tình dục.
- Uống viên thứ 3: sau 24 giờ tính từ khi uống liều đầu tiên
- Uống viên thứ 4: sau 24 giờ tính từ khi uống liều thứ hai.
Nếu khách hàng tiếp tục có quan hệ tình dục thì uống tiếp mỗi ngày 01 viên và uống tiếp 02 ngày liên tục sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.
9. Phụ nữ mang thai và cho con bú có sử dụng PrEP được không? Và cách sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất?
Trả lời:
Điều trị PrEP khá an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú có nguy cơ cao nhiễm HIV. Mặc dù các nghiên cứu PrEP không tập trung vào quần thể này nhưng có các dữ liệu về sử dụng an toàn TDF/FTC ở phụ nữ có thai/cho con bú nhiễm HIV.
--------------------------------------
Tại Hải Dương, các bạn có nhu cầu tiếp cận, điều trị PrEP có thể liên hệ:
1. Phòng Tư vấn và Điều trị PrEP - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương
Địa chỉ: 241 Nguyễn Lương Bằng, Phường Thanh Bình, TP. Hải Dương.
Zalo/Hotline 24/7: 0946854858.
2. Phòng Tư vấn và Điều trị PrEP – Trung tâm Y tế TP. Chí Linh
Địa chỉ: 172 Nguyễn Trãi, Phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, Hải Dương
Zalo/Hotline 24/7: 0382752199
3. Phòng Tư vấn và Điều trị PrEP - Trung tâm Y tế huyện Kim Thành
Địa chỉ: Thị trấn Phú Thái, Kim Thành, Hải Dương
Zalo/Hotline 24/7: 0399421926