10/06/2024 16:26:29 -

1. TÁC DỤNG PHỤ KHI ĐIỀU TRỊ PREP

- PrEP rất an toàn, không có tác dụng phụ đối với 90% người sử dụng.

- Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp một số tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua lúc đầu, như tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, đau quặn bụng hoặc đầy hơi. Một số người có thể chóng mặt hoặc đau đầu.

- Các tác dụng phụ này thường kéo dài trong vài ngày hay vài tuần, nhưng thường không quá 1 tháng mà không cần ngừng PrEP.

- Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. PrEP không ảnh hưởng tới việc sử dụng hoóc-môn.

2. XỬ TRÍ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG ĐẶC BIỆT

* Phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ

Sử dụng PEP trong 28 ngày, sau đó bắt đầu dùng PrEP nếu khách hàng có HIV âm tính và tiếp tục có hành vi nguy cơ.

* Có Hội chứng nhiễm HIV cấp tính

- Trường hợp chưa điều trị PrEP: Trì hoãn PrEP; xét nghiệm lại HIV trong vòng 01 tháng trước khi bắt đầu PrEP.

- Trường hợp đang sử dụng PrEP: Nếu nghi ngờ nhiễm HIV cấp, cần ngừng PrEP, xét nghiệm HIV sau 01 tháng; tư vấn sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV khác.

* Sử dụng PrEP ở người chuyển giới nữ

- TDF không làm giảm nồng độ hoóc môn nữ; hoóc môn nữ có thể làm giảm nồng độ TDF nhưng không đáng kể nếu dùng PrEP hằng ngày.

- Người chuyển giới nữ có sử dụng hoóc môn nữ chỉ nên sử dụng PrEP hằng ngày để bảo đảm hiệu quả của TDF.

* Xử trí khi có kết quả xét nghiệm creatinin, HBsAg, HIV trong khi đang sử dụng PrEP

- Xét nghiệm creatinin: Người có độ thanh thải creatinin < 60 mL/phút: tiếp tục PrEP và xét nghiệm lại creatinine:

+ Nếu độ thanh thải creatinin ≥ 60 mL/phút tiếp tục PrEP.

+ Nếu độ thanh thải creatinin vẫn < 60 mL/phút, ngừng PrEP. Sau 1-3 tháng ngừng PrEP, nếu độ thanh thải creatinine ≥ 60 mL/phút thì có thể bắt đầu lại PrEP. Nếu creatinin vẫn không về bình thường, chuyển khám chuyên khoa để chẩn đoán và xử trí.

- Xét nghiệm HBsAg:

+ Trường hợp HBsAg âm tính: Tư vấn tiêm vắc xin phòng viêm gan B.

+ Trường hợp HBsAg dương tính: đánh giá chỉ định điều trị viêm gan B. Nếu khách hàng đủ tiêu chuẩn điều trị viêm gan B, tư vấn khách hàng điều trị phác đồ có TDF. Nếu khách hàng chưa đủ tiêu chuẩn điều trị viêm gan B, điều trị PrEP nhưng thận trọng nguy cơ bùng phát viêm gan B khi ngừng PrEP.

- Xét nghiệm HIV:

+ Người đang sử dụng PrEP có xét nghiệm HIV dương tính: chuyển điều trị ARV ngay. Có thể xét nghiệm kiểu gen HIV kháng thuốc và điều chỉnh phác đồ phù hợp nếu cần.

+ Xét nghiệm HIV âm tính: tiếp tục sử dụng PrEP.

* PrEP ở một số nhóm đối tượng đặc biệt

- Vị thành niên: Tư vấn tăng cường hỗ trợ về tuân thủ điều trị khi sử dụng PrEP.

- Phụ nữ mang thai/cho con bú: vẫn có chỉ định PrEP nếu có nguy cơ cao nhiễm HIV.

- Người tiêm chích ma túy: Ưu tiên sử dụng các biện pháp can thiệp giảm hại và dự phòng khác.

- Bạn tình/bạn chích âm tính của người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 2 và bậc 3 do thất bại điều trị hoặc nghi thất bại điều trị với phác đồ có TDF hoặc TDF/3TC: không nên chỉ định PrEP uống, tư vấn sử dụng các phương pháp dự phòng khác.

📞 Cần gọi điện và đến gặp bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt khi điều trị PrEP.

--------------------------------------

1. Phòng Tư vấn và Điều trị PrEP - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương

Địa chỉ: 241 Nguyễn Lương Bằng, Phường Tân Bình, TP. Hải Dương.

Zalo/Hotline 24/7: 0946854858.

 

2. Phòng Tư vấn và Điều trị PrEP – Trung tâm Y tế TP. Chí Linh

Địa chỉ: 172 Nguyễn Trãi, Phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, Hải Dương

Zalo/Hotline 24/7: 0382752199

 

3. Phòng Tư vấn và Điều trị PrEP - Trung tâm Y tế huyện Kim Thành

Địa chỉ: Thị trấn Phú Thái, Kim Thành, Hải Dương

Zalo/Hotline 24/7: 0399421926